ÁO VỎ CÂY,ậtthiêngtrêndãyTrườngSơnTấmáocũcủangườiVânKiềgalaxy cinema bến tre NIỀM KIÊU HÃNH CỦA NGƯỜI VÂN KIỀU
Vào những năm 1990, trong nhiều lần điền dã hàng tháng trời ở vùng miền núi giáp Lào, cán bộ của Bảo tàng Quảng Trị đã phát hiện và sưu tầm được những trang phục cổ xưa hết sức độc đáo của người Vân Kiều. Đó là những chiếc áo bằng vỏ cây, có niên đại hàng trăm năm.
Tại Bảo tàng Quảng Trị đang trưng bày 6 hiện vật thuộc trang phục bằng chất liệu vỏ cây (4 chiếc áo, 1 chiếc khố và 1 tấm nguyên liệu) thuộc trang phục của người Bru - Vân Kiều. Chúng được lần lượt đưa về bảo tàng từ năm 1996 đến năm 2005 ở H.Đakrông và H.Hướng Hóa. Những chiếc áo vỏ cây có kích thước tương đương nhau (dài thân 60 - 70 cm, rộng thân sau 50 - 60 cm, rộng vai 40 cm), còn chiếc khố có kích thước dài 1,5 m, rộng 28 cm.
Theo các nhà nghiên cứu, áo, khố và cả tấm choàng được làm từ vỏ của một loại cây rừng tên gọi là cây pi, một loại cây thân mộc có lớp vỏ khá dày từ 4 - 5 cm. Mủ của loại cây này có màu trắng, rất độc nên người Vân Kiều thường lấy làm thuốc độc tẩm vào cung tên để săn thú rừng.
Cây pi rất hiếm, có khi cả một khu rừng mới có một cây, mà người biết cách làm áo từ vỏ thân cây này càng hiếm, vì rất công phu. Ngay từ cách bóc vỏ cây pi ra cũng đã cần người thợ khéo léo. Bởi người Vân Kiều không đốn cả cây pi, mà chỉ dùng rựa đẽo quanh thân cây một vòng tròn để lấy vỏ cây đập dập cho mềm. Sau đó, người ta cho vỏ cây vào một thùng nước ngâm lá mía, sả, gừng đã được nấu sôi trong thời gian 10 ngày cho mủ độc thải ra hết. Ngâm xong, vỏ cây pi được đưa ra phơi sương, phơi nắng trong vòng 7 ngày đêm. Phơi xong, đem cất miếng vỏ cây vào chỗ khô ráo, sạch sẽ rồi mới đưa vỏ cây ra khâu áo. Chỉ dùng để khâu áo làm bằng sợi mây rừng, chỉ chạy 2 đường bên hông. Tuy làm bằng vỏ cây nhưng loại trang phục này có đặc điểm mềm mại, rất dai, lâu rách, phù hợp mặc vào mùa đông.
Ông Lê Đức Thọ, nhà sử học nổi tiếng ở Quảng Trị, cho biết áo vỏ cây được xem là niềm kiêu hãnh trong nghệ thuật trang phục của người Vân Kiều, là một lưu ảnh nguyên bản cuộc sống đầy huyền thoại của người Vân Kiều giữa đại ngàn Trường Sơn. Tuy vậy, ngày nay không còn người Vân Kiều nào mặc áo vỏ cây nên ngón nghề làm áo, may áo cũng đã mai một, thậm chí không còn ai biết may ở cả vùng sơn cước miền tây Quảng Trị rộng lớn này. Kể cả việc lưu giữ những hiện vật áo vỏ cây tại Bảo tàng Quảng Trị cũng gặp nhiều khó khăn.
"TÔI SẼ CHẾT NHƯNG TẤM ÁO CỦA ĐỒNG BÀO TÔI CÒN MÃI"
Gần hơn so với áo vỏ cây, đồng bào Vân Kiều có những tấm áo thổ cẩm cho riêng mình. Những tấm áo đó được dệt nên bởi những khung cửi thô sơ bằng gỗ, kẽo kẹt mỗi ngày ngay dưới chân nhà sàn truyền thống. Những người già ở các bản làng Vân Kiều kể rằng để có một tấm áo thổ cẩm, người thợ phải mất hàng tuần, có khi hàng tháng. Vậy nên, khi vải vóc, áo quần may đan công nghiệp từ dưới xuôi dễ dàng lên bản theo những cung đường mới mở, thì thổ cẩm truyền thống cũng bị mất vị thế. Tiếng khung cửi thành xa vắng như tiếng chúa sơn lâm gầm gừ, chỉ còn trong quá khứ.
Nhưng nhiều người Vân Kiều không cam chịu điều đó và cố tìm cách níu giữ tấm áo truyền thống. Ở bản Ka Lu (xã Đakrông, H.Đakrông, Quảng Trị), nhiều người phụ nữ chụm nhau lại thành "tổ đội" dệt thổ cẩm, dù nguyên liệu từ sợi tổng hợp. "Dệt được tấm thổ cẩm vuông vức với chi tiết hoa văn đơn giản nhất cũng mất gần một tuần, còn với các sản phẩm có chi tiết hoa văn cầu kỳ thì mất khoảng 10 - 12 ngày. Nhưng khi dệt xong mỗi tấm vải, chúng tôi đều thấy vui, thấy tự hào", chị Hồ Thị Thông, 40 tuổi, ở bản Ka Lu, nói.
Ở H.Hướng Hóa có một người đàn ông nức tiếng là bậc thầy dệt thổ cẩm. Ông là Hồ Văn Hồi (51 tuổi, trú bản Pa Nho, TT.Khe Sanh). Ông thuộc diện "hàng hiếm" của bản, của vùng núi rừng này, bởi nói trai Vân Kiều đi rừng, săn bắn giỏi người ta tin chứ nói khéo tay như ông thì... không thuyết phục. Cơ duyên để ông Hồi biết nghề dệt thổ cẩm cũng chẳng giống ai, bởi cách đây hơn chục năm, nghe tin Hội Phụ nữ H.Hướng Hóa mở lớp dạy nghề cho chị em, ông Hồi đã xin vào lớp và mãi mới được một suất. Ngày nay khi đã thành nghệ nhân, ông cho biết: "Để làm ra một tấm vải đúng chất đồng bào mình, không đơn giản là chỉ học kỹ thuật và dệt mà vấn đề là mình phải hiểu nó, đặc biệt là những hoa văn truyền thống trên đó. Màu nào, họa tiết nào biểu thị cho điều gì".
Ông cũng sớm nhận ra rằng "nếu chỉ dệt một mình thì buồn lắm" và "giờ mà mình giấu nghề thì lúc chết cũng bằng không", nên đã đi qua rất nhiều bản làng của H.Đakrông, H.Hướng Hóa để dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà con dân bản. "Tôi rồi sẽ về với đất như bao người Vân Kiều khác, nhưng tấm áo thổ cẩm của đồng bào tôi sẽ còn mãi", ông Hồi nói. (còn tiếp)
Áo thổ cẩm vào… nghị quyết
Đó là câu chuyện xảy ra ở xã A Bung (H.Đakrông, Quảng Trị). Năm 2018, ông Hồ Văn Hiền (Phó chủ tịch UBND xã, nay là Chủ tịch UBND xã A Bung) đã đề xuất đưa một số quy định về việc dệt, mặc... áo thổ cẩm vào Nghị quyết Đảng bộ xã. Nhờ đó, hiện nay ở A Bung đã thành lập được 4 tổ sản xuất chuyên dệt vải thổ cẩm của người Pa Kô với gần 30 chị em phụ nữ ở các thôn Cu Tài 1, Cu Tài 2 và Ti Nê… Học sinh, giáo viên ở A Bung phải mặc trang phục thổ cẩm vào sáng thứ hai trong giờ chào cờ; cán bộ xã A Bung mặc trang phục truyền thống trong các dịp hội họp.